Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ nhưng đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, chị Lò Thị Rên - khu 3, thị trấn Trạm Tấu cho biết: “Chồng tôi mất sớm, gia đình không đất sản xuất, một mình bươn chải nuôi 3 con ăn học. Mặc dù rất cố gắng lao động nhưng do thiếu vốn và thiếu kiến thức nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi.
Năm 2008, được NHCSXH cho vay 10 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình và 5 triệu đồng theo chương trình hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, tôi đầu tư mua hai con bò sinh sản.
Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật về chăm sóc và phòng chống dịch bệnh nên bò nhà tôi khoẻ mạnh và phát triển tốt, đến nay gia đình trả ngân hàng 10 triệu đồng và vẫn còn 3 con bò nữa”.
Còn gia đình chị Hoàng Thị Liên - tổ tiết kiệm khu 2, thị trấn Trạm Tấu cho biết: “Trước đây, tôi không có công ăn việc làm, nhà tôi là bộ đội phục viên, năm 2007 hai vợ chồng “tay không” từ thị xã Nghĩa Lộ lên thị trấn Trạm Tấu thuê chiếc lán nhỏ ở trung tâm để sửa chữa xe máy kiếm kế sinh nhai, do không có vốn, cửa hàng chỉ sửa chữa lặt vặt và rửa xe nên rất vắng khách. Năm 2008, gia đình được vay NHCSXH 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Có đồng vốn, gia đình tập trung vốn mở rộng cửa hàng và bán phụ tùng linh kiện. Qua hơn 2 năm chịu khó làm ăn giờ đây cuộc sống gia đình đã khá giả, năm 2009 gia đình đã trả được ngân hàng 30 triệu đồng”.
Ông Phạm Thành Long - Phó giám đốc phụ trách Phòng giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu cho biết: "Để đồng vốn cho vay phát huy tốt hiệu quả, NHCSXH huyện thường xuyên phối hợp cùng Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội cựu chiến binh huyện họp bàn đánh giá kết quả hoạt động đồng thời bàn biện pháp cùng chỉ đạo điều hành hoạt động uỷ thác cho vay hộ nghèo, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của tổ vay vốn".
Đến 31 tháng 8 năm 2012, NHCSXH huyện Trạm Tấu đã cho vay hộ nghèo được 41,3 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch năm, (cho vay theo Nghị quyết 30a được 1,8 tỷ đồng, cho vay thông thường 39,5 tỷ đồng); cho vay vốn giải quyết việc làm trên 2,6 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch; cho vay xuất khẩu lao động 1,6 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 2,5 tỷ đồng bằng 95% kế hoạch; cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 được 3,4 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn 18,3 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ đạt trên 71 tỷ đồng.
Để các hộ nghèo trong huyện được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và sử dụng đạt hiệu quả cao, thời gian tới, NHCSXH huyện tăng cường chặt chẽ sự phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận uỷ thác từ huyện đến các xã, thị trấn, rà soát lại nhu cầu vay vốn để thẩm định và giải ngân cho vay; phối hợp với phòng Nội vụ thẩm định dự án và tổ chức cho vay vốn theo đúng kế hoạch; tổ chức ký hợp đồng uỷ thác đến 100% tổ chức hội ở các xã, thường xuyên phối hợp kiểm tra và có biện pháp chỉ đạo sát các hoạt động tín dụng, nâng cao chất lượng tổ vay vốn, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, quá hạn để tạo vốn cho vay quay vòng, thực hiện tốt lịch giao dịch tại xã.