Qua quá trình khảo sát trên tổng số 106 xã, phường, thị trấn với khoảng 475.300 người dân (xấp xỉ 97% dân số) đã thu được kết quả là trong tổng số người được khảo sát có tới 60% người dân biết về hoạt động trợ giúp pháp lý và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; 80% số người có nhu cầu được trợ giúp pháp lý trong tổng số người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Dựa trên các kết quả khảo sát thu được, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Tư pháp, Trung tâm tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa bàn.
Bên cạnh đó, để đảm bảo cho công tác trợ giúp pháp lý đạt chất lượng tốt, Trung tâm đã tiến hành tổ chức các hội nghị tập huấn cho Trợ giúp viên pháp lý, Cộng tác viên và Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Trong thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức 24 hội nghị tập huấn, thu hút 1.359 lượt người tham gia là các Trợ giúp viên, chuyên viên, Cộng tác viên của Trung tâm, cán bộ chủ chốt của các Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý. Nội dung các buổi tập huấn tập trung giới thiệu các nội dung của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành; tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ thực hiện các loại vụ việc trợ giúp pháp lý, kỹ năng lập hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý; tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật nội dung thông qua việc phổ biến các quy định của pháp luật về các lĩnh vực hình sự, dân sự, đất đai, nhà ở, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật khiếu nại, tố cáo, pháp luật hôn nhân gia đình, pháp luật bảo vệ bà mẹ, trẻ em…; phổ biến về chính sách trợ giúp pháp lý trong các chương trình mục tiêu quốc gia, nội dung Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP…
Với đặc thù là một tỉnh miền núi nghèo, địa hình đồi núi hiểm trở, đi lại hết sức khó khăn lại thiếu thốn về phương tiện. Nhưng, vượt lên trên tất cả những trở ngại đó, những cán bộ thực hiện công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn từng ngày trèo đèo, lội suối, đưa ánh sáng pháp luật về từng thôn, bản cho nhân dân. Với 72 xã và 29 bản thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II tính đến thời điểm hiện nay, Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Điện Biên đã thực hiện 120 đợt trợ giúp pháp lý lưu động trên các địa bàn thuộc diện đầu tư của Chương trình. Các đợt trợ giúp pháp lý lưu động này đã thu hút 10.099 lượt người tham gia.
Cũng trong các buổi lưu động này, ngoài việc giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho người dân, phát hiện những việc làm sai trái, thiếu trách nhiệm của một số cá nhân, cơ quan có thẩm quyền để kịp thời kiến nghị, bảo vệ quyền lợi cho nhân dân bằng việc thực hiện trợ giúp pháp lý 3.591 vụ việc (trợ giúp cho 522 đối tượng thuộc diện người nghèo, 9.070 đối tượng là người dân tộc và 507 đối tượng thuộc diện khác, dưới các hình thức như tư vấn (1.955 vụ việc), tham gia tố tụng (451 vụ việc) và hình thức khác (185 vụ việc), trên hầu hết các lĩnh vực pháp luật, nhưng tập trung nhiều nhất ở lĩnh vực pháp luật: Hình sự (689 vụ việc), Đất đai (654 vụ việc), Hôn nhân gia đình và Dân sự) Trung tâm còn kết hợp lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Có thể nói, hình thức này đã giúp đồng bào dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với pháp luật tốt hơn, nâng cao hiểu biết của người dân về pháp luật nói chung, về các chính sách của Đảng và Nhà nước nói riêng.
Việc thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý trong Chương trình 135 giai đoạn II trên địa bàn tỉnh Điện Biên đạt được những kết quả nói trên là nhờ có sự ủng hộ, phối hợp của các cấp chính quyền tại địa bàn các xã, bản được thụ hưởng chính sách này. Bên cạnh đó, có sự quan tâm cả về kinh phí, cũng như sự hướng dẫn tận tình về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Trợ giúp pháp lý-Bộ Tư pháp, sự phối hợp của các ban, ngành hữu quan đã giúp cho Trung tâm không ngừng cố gắng và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, sự bổ sung về biên chế và sự quan tâm đào tạo về trình độ chuyên môn đã giúp cho Trung tâm có được đội ngũ cán bộ có trình độ cơ bản, phần nào khắc phục được sự thiếu về số lượng, yếu về chất lượng của đội ngũ cán bộ giai đoạn trước.
Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế việc triển khai công tác này trong thời gian qua cũng còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: việc triển khai, cấp kinh phí còn chậm so với kế hoạch nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công việc. Mặt khác, các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II là các xã đặc biệt khó khăn, nhu cầu trợ giúp pháp lý là rất lớn trong khi kinh phí cấp cho công tác trợ giúp pháp lý chỉ dừng lại ở việc cấp để duy trì sinh hoạt của các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và mức cấp cũng chỉ bằng mức cấp của các xã nghèo (2triệu đồng/Câu lạc bộ/năm), nên việc triển khai các hoạt động khác như: trợ giúp pháp lý lưu động, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và đặc biệt là việc thực hiện, giải quyết các vụ việc trợ giúp pháp lý những năm quà còn phụ thuộc vào nguồn tài trợ của Dự án do Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp cấp nên còn nhiều khó khăn do không đủ kinh phí để triển khai, thực hiện.
Bên cạnh đó, việc theo dõi, quản lý tình hình cấp và sử dụng kinh phí hiện này chưa hợp lý. Cụ thể là việc cấp kinh phí cho các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý được thụ hưởng Chương trình được thực hiện trực tiếp thông qua Uỷ ban nhân dân các huyện hoặc trực tiếp tại địa phương mà không báo về Trung tâm trợ giúp pháp lý để theo dõi. Trong khi đó, Trung tâm lại là cơ quan có vai trò tham mưu, quản lý, theo dõi hoạt động của các Câu lạc bộ cho Sở Tư pháp nhưng lại không được biết về tình hình cấp và sử dụng kinh phí của các Câu lạc bộ. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý và đánh giá hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ.
Ngoài ra, còn một số tồn tại làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của Chương trình như: việc quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương của Chương trình 135 giai đoạn II, một số đơn vị cấp huyện chưa thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư 06/2007/TT-UBDT ngày 20/9/2007 hướng dẫn thực hiện mức hỗ trợ dịch vụ cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật theo Quyết định 112/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình quản lý, sử dụng nguồn kinh phí.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn chính sách trợ giúp pháp lý theo Chương trình 135 giai đoạn II cũng như các chương trình mục tiêu quốc gia khác, đề nghị các cấp, ngành, cơ quan có thẩm quyền thực hiện các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn, hạn chế trên.
Hải Nam
(Nguồn: Bản tin CT 135 - Số 10/2010)
[TT: H.T.N]