Ông Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm cho biết, thông qua hình thức tư vấn lưu động, Trung tâm sớm phát hiện các vụ án để giúp đỡ người dân ngay từ bước đầu, bảo vệ quyền lợi cho bà con. Trung tâm giúp đỡ người dân tại trụ sở và 2 văn phòng đặt tại huyện Tam Đảo và Lập Thạch. Trụ sở và 2 văn phòng nhận được phản ánh của bà con, nếu vấn đề nào giải quyết được ngay sẽ tư vấn tại chỗ cho bà con. Nếu liên quan đến tố tụng sẽ yêu cầu bà con có hồ sơ để Trung tâm giúp đỡ. Bà con không phải đóng bất cứ khoản lệ phí nào.
Thực hiện chương trình đề án quốc gia về xóa đói giảm nghèo và Chương trình 135, Trung tâm đã xây dựng được 17 câu lạc bộ hỗ trợ pháp lý đặt tại 17 xã nghèo và xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đào tạo các cán bộ tư pháp để có thể tư vấn cho bà con ngay khi xẩy ra một số vấn đề hay sự việc nào đó trên địa bàn. Trung tâm còn xây dựng mạng lưới cộng tác viên là luật sư phối hợp thực hiện tham gia tranh tụng và đại diện tố tụng; phát miễn phí tài liệu liên quan đến các vấn đề về pháp luật: Luật kế thừa Tài sản, Luật Bất động sản, Luật Giao thông, luật Hôn nhân và Gia đình...
Hàng năm, Trung tâm về tận thôn bản, trụ sở UBND các xã để lắng nghe những ý kiến, tư vấn tháo gỡ vướng mắc liên quan đến pháp luật; giải quyết triệt để các vụ việc liên quan đến pháp luật của người dân thông qua các hình thức như: Tư vấn tại chỗ, gửi văn bản trả lời, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng.
Trung bình mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận 2.000–2.500 vụ việc các loại, tham gia tố tụng hơn 150 vụ việc và gửi hơn 200 văn bản trả lời cho bà con nhân dân. 6 tháng đầu năm 2010, Trung tâm đã tiếp nhận 1.500 vụ việc các loại, trong đó có hơn 300 vụ việc của bà con dân tộc thiểu số; tham gia tố tụng hơn 60 vụ việc, gửi hơn 100 văn bản trả lời và kiến nghị lên chính quyền và Chánh án TAND Tối Cao. Hơn 80% số vụ việc liên quan đến tranh tụng nhờ trung tâm hướng dẫn tư vấn đã giành thắng lợi. Bác Đại Văn Quý, xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc cho biết: Gia đình tôi nghèo, chẳng có tiền thuê luật sư bào chữa. Hai lần xét sử sơ thẩm và phúc thẩm đều y án, gia đình rất tuyệt vọng, tưởng đã như mất mảnh đất do cha ông để lại. Khi biết có Trung tâm hỗ trợ pháp lý, tôi đã đến nhờ giúp đỡ. Đến nay, TAND Tối Cao đã xét xử, gia đình tôi đã đòi lại được đất.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm hiện có 15 biên chế, nhân lực còn mỏng, công tác giải quyết các vụ việc tố tụng gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, kinh phí hoạt động còn nhiều hạn chế nên vấn đề hỗ trợ pháp lý và tuyên truyền pháp luật đến với bà con vùng sâu vùng xa còn nhiều hạn chế. Trung tâm tiếp tục xây dựng và mở rộng các câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, xây dựng mạng lưới cộng tác viên đông đảo và xây dựng thêm văn phòng đặt tại huyện Sông Lô. Với những việc đã làm được cho bà con, trong nhiều năm liền, Trung tâm được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Tư pháp tặng nhiều bằng khen và giấy khen. Những nỗ lực của Trung tâm góp phần giảm thiểu vụ việc oan sai hay khúc mắc liên quan đến pháp luật; thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển.
Khổng Thành
(Nguồn: Báo Dân tộc & Phát triển - Số 83/2010)
[TT: H.T.N]