Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015, Hoàng Su Phì đã ban hành Phương án xây dựng mô hình chăn nuôi hàng hóa theo quy mô trang trại, gắn phát triển kinh tế hộ. Mục tiêu đặt ra là phát triển chăn nuôi gia súc phù hợp các vùng sinh thái, nhằm tăng tổng đàn, đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm của người dân nội huyện, đồng thời cung cấp sản phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Thông qua hoạt động chăn nuôi sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tạo thành vùng chăn nuôi hàng hóa gắn với trồng cỏ, từng bước chuyển đổi phương thức chăn nuôi quảng canh, tự phát, nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, tạo nguồn thu nhập ổn định từ ngành chăn nuôi gia súc.
Để phương án này được triển khai đi vào cuộc sống, có một loạt các cơ chế, chính sách đi kèm đó là: Ngân sách huyện hỗ trợ vốn ban đầu với định mức không quá 50 triệu đồng/hộ nuôi trâu, bò, trong đó kinh phí xây dựng chuồng trại 10 triệu đồng, mua bổ sung đầu giống 40 triệu đồng. Đối với hộ nuôi dê, định mức vốn vay không quá 20 triệu đồng/hộ, gồm 5 triệu đồng xây dựng chuồng trại, 15 triệu đồng mua bổ sung giống. Toàn bộ số vốn vay phát triển chăn nuôi được huyện hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 36 tháng kể từ khi ký hợp đồng tín dụng đối với hộ nuôi trâu, bò và 24 tháng đối với hộ nuôi dê. Những hộ tham gia phương án phải đạt tiêu chí về nhân lực, khả năng kinh tế để đầu tư xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung và đàn trâu, bò hiện có từ 3 con trở lên, đàn dê từ 5 con trở lên mới được đưa vào quy hoạch; đồng thời có diện tích cỏ đảm bảo thức ăn cho gia súc tối thiểu từ 1 nghìn m2 trở lên.
Năm 2011, khi phương án được triển khai, có 49 hộ của 7 xã đăng ký vay vốn thực hiện 17 mô hình nuôi trâu, 32 mô hình nuôi dê. Năm 2012, huyện tiếp tục duy trì mô hình chăn nuôi gia súc theo hướng trang trại tại 3 xã Thông Nguyên, Bản Péo, Nậm Ty. Đến nay, trên địa bàn các xã này có 14 hộ thực hiện với tổng số vốn vay 420 triệu đồng. Qua kiểm tra thực tế, 11 hộ đã mua bổ sung được 31 con trâu, đảm bảo quy mô 10 con/hộ; 3 hộ đã mua bổ sung được 12 con dê, đạt 16 con/hộ. Các hộ tham gia phương án đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, đàn gia súc sinh trưởng thêm được 57 con, trong đó có 12 con trâu, 45 con dê.
Nắm bắt chủ trương, chính sách hỗ trợ của huyện, năm 2012 gia đình ông Vương Văn Khoàng, thôn Bản Luốc, xã Bản Luốc cũng đầu tư 250 triệu đồng chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại. Mô hình chăn nuôi của gia đình ông được huyện hỗ trợ 30 triệu đồng lắp đặt hầm biogas, tập huấn bảo quản tinh nhân tạo, mua lợn đực giống; hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay ngân hàng trong 2 năm đầu với số tiền 60 triệu đồng xây dựng chuồng trại. Hiện nay, gia đình ông mua thêm 10 lợn nái giống địa phương, nâng tổng đàn lên 13 con, gồm 1 đực giống, 12 lợn nái. Cùng với chính sách hỗ trợ trên, gia đình ông Lý Văn Minh, thôn U Khố Sủ xã Tụ Nhân cũng đầu tư 230 triệu đồng phát triển đàn lợn theo hướng trang trại hàng hoá. Với sự hỗ trợ của huyện, gia đình ông mua thêm 11 nái giống, 1 đực giống. Đặc biệt, mô hình nuôi lợn theo hướng tập trung tại thị trấn Vinh Quang vừa được triển khai với tổng vốn đầu tư gần 2,6 tỷ đồng. Trong đó, huyện hỗ trợ 595 triệu đồng mua con giống, lắp đặt thiết bị chuồng trại, trả lương cán bộ thú y, tập huấn khai thác, bảo quản tinh nhân tạo, xây dựng hầm biogas; hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng trong 3 năm đầu với số tiền 300 triệu đồng xây dựng chuồng trại. Mô hình này đã có 23 nái giống, 1 đực giống, hơn 10 nái giống chuẩn bị sinh sản.
Việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài huyện; khai thác triệt để tiềm năng và tài nguyên tại các xã, thị trấn, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị cao... Theo tính toán, một hộ chăn nuôi trâu, bò hàng hóa năm đầu tiên với số lượng 10 con, 3 năm sau số gia súc tăng thêm 15-20 con và tổng đàn sẽ đạt 25-30 con, giá trung bình 10 triệu đồng/đầu gia súc, tổng đàn có giá trị 250-300 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí xây dựng mô hình, mua con giống, làm chuồng trại, nhân công, đầu tư trồng cỏ... lãi thuần đạt 165 triệu đồng/mô hình, mỗi năm người chăn nuôi thu lãi trên 55 triệu đồng. Đối với mô hình nuôi dê hàng hóa, số gia súc năm đầu thực hiện phương án là 15 con, sau 3 năm tăng lên 40-45 con, tổng đàn đạt 55-60 con, giá trung bình 3 triệu đồng/đầu dê, tổng đàn có giá trị 165-180 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi thuần đạt trên 132 triệu đồng/mô hình, mỗi năm người chăn nuôi thu lãi trên 44 triệu đồng.
Lợi ích từ các chính sách hỗ trợ chăn nuôi đã rõ, chủ trương của huyện cũng được tuyên truyền, phổ biến đến người dân. Thế nhưng, đến nay đã hơn 2 năm chính sách hỗ trợ được triển khai vào cuộc sống, số lượng các hộ tham gia còn quá khiêm tốn. Nếu so với mục tiêu đề ra, đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng đàn trâu, bò 6%, đàn dê 10%; mỗi thôn xây dựng 10 mô hình chăn nuôi hàng hóa, ít nhất có 1.980 hộ của 25 xã, thị trấn tham gia mô hình chăn nuôi hàng hóa... thì còn quá xa vời. Nếu như không tìm ra giải pháp hữu hiệu, với quãng thời gian còn lại của nhiệm kỳ, những kỳ vọng về sự đổi mới, bứt phá trong lĩnh vực chăn nuôi của Hoàng Su Phì sẽ khó thành hiện thực!
( Theo baohagiang.vn)
[TT: LPM]