Huyện Khánh Sơn có các xã: Ba Cụm Nam, Thành Sơn, Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Hiệp được hưởng lợi từ Chương trình 135, giai đoạn II. Từ năm 2006 - 2010, các địa phương này đã được đầu tư hơn 8,5 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng; hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ cho 506 hộ đồng bào dân tộc phát triển sản xuất như: trồng mía, trồng chuối, nuôi heo, nuôi bò... Dự án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã tập huấn cho 21 công chức xã được đào tạo lý luận chính trị trình độ trung cấp; 94 công chức xã được đào tạo chuyên môn trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp; mở 88 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 3.520 lượt người. Ngoài ra, Chương trình còn hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng giúp cải thiện đời sống cho người dân cả về vật chất và tinh thần.
Việc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình 135 đã được huyện triển khai thực hiện theo đúng trình tự thủ tục và nguyện vọng của người dân. Các công trình xây dựng cơ bản được phân bổ tương đối đều khắp và đến tận các thôn. Trước khi lựa chọn các công trình để đầu tư xây dựng, các địa phương đều công khai tiến hành họp nhân dân, căn cứ vào nguyện vọng của bà con và xem xét tính hiệu quả của mỗi công trình trong sinh hoạt, sản xuất của đồng bào. Ngoài ra, nguồn kinh phí của Chương trình dành cho hỗ trợ sản xuất được cấp trực tiếp xuống từng hộ theo kết quả bình xét đối tượng từ thôn, bản. Cùng với đó, huyện còn tiến hành lồng ghép nguồn kinh phí này với các chương trình, dự án trọng điểm khác như: trợ cước, trợ giá, chương trình thủy lợi; nước sạch nông thôn; phát triển một số cây nông nghiệp đặc sản có thế mạnh của địa phương như: sầu riêng, mít nghệ... Hiệu quả của việc phối hợp các chương trình, dự án đã tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, thâm canh tăng vụ, giúp xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh đó, thực hiện hợp phần trợ giúp pháp lý, qua đó nhận thức về pháp luật của người dân được nâng lên. Qua hợp phần hỗ trợ con em đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đến trường đã giúp cho số trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt cao, số học sinh nghỉ học giữa chừng giảm đáng kể.
Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Quốc Thịnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện cho biết: Qua 5 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, đã có nhiều công trình giao thông, thủy lợi, trường học... được đưa vào sử dụng, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Diện mạo các xã đặc biệt khó khăn có nhiều thay đổi. Bên cạnh những chuyển biến trong đời sống của người dân, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân từng bước được nâng lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết. Việc thực hiện Chương trình 135 ở Khánh Sơn còn nhiều bất cập, hạn chế trong việc triển khai thực hiện dẫn đến hiệu quả chưa cao, chưa đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra như: thủ tục đầu tư đối với các công trình xây dựng cơ bản vẫn còn rườm rà, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý cấp xã còn lúng túng, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức trong công tác kiểm tra, giám sát công trình. Việc phê duyệt báo cáo kinh tế, kỹ thuật, kế hoạch đấu thầu một số công trình còn chậm vì vậy ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công việc so với kế hoạch. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chủ yếu tập trung vào mở rộng mạng lưới giao thông. Nguồn vốn để duy tu, bảo dưỡng hàng năm không có nên việc sửa chữa gần như không được thực hiện, dẫn đến công trình nhanh xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu. Hợp phần hỗ trợ sản xuất còn bất cập như: lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi chưa hợp lý với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng; việc hỗ trợ khoa học - kỹ thuật chưa kịp thời... Chính vì vậy, sau 5 năm thực hiện chương trình, tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương vẫn còn cao, mức thu nhập của người dân còn thấp, vì vậy việc thoát nghèo chậm và chưa bền vững.
Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện lồng ghép với các Chương trình mục tiêu Quốc gia khác để đầu tư có chiều sâu đối với từng hợp phần của Chương trình. Đặc biệt, huyện xác định việc chỉ đạo phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào là nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở cùng với việc kiểm tra, giám sát đối với các dự án đầu tư xây dựng các công trình cũng sẽ được tăng cường.
Hi vọng rằng, với sự đầu tư của Nhà nước cùng những cố gắng, nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, cuộc sống của đồng bào vùng dân tộc, miền núi Khánh Sơn sẽ ngày càng phát triển ổn định, bền vững.
Nguyễn Kim
Nguồn: Bản tin 135 - Tháng 11/2010)
[TT: H.T.N