Thực hiện Chính sách này, tiểu hợp phần hỗ trợ học sinh con hộ nghèo đi học đã được đầu tư kinh phí khá lớn. Cụ thể từ năm 2006-2010, ngân sách Trung ương đã bố trí bổ sung cho các tỉnh 1.906,69 tỷ đồng (chưa bao gồm số kinh phí tạm ứng 470 tỷ đồng trong tháng 5/2010). Nguồn kinh phí này đã hỗ trợ cho 926.326 lượt cháu đi học mẫu giáo và học sinh phổ thông con hộ nghèo học bán trú. Khối lượng thực hiện đạt 80,82% kế hoạch vốn đã giao. Năm học 2009-2010 và 2010-2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 101/2009/QĐ-TTg mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với tất cả học sinh là con hộ nghèo. Do đó các Bộ, ngành đã rà soát, tính toán lại nguồn vốn để bổ sung cho các địa phương, đảm bảo cho tất cả học sinh con hộ nghèo đều được hỗ trợ.
Qua thực hiện chính sách, học sinh trong độ tuổi đến trường tăng lên, từng bước hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số con hộ nghèo nơi vùng sâu, vùng xa. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước cộng với phần đóng góp của cha mẹ học sinh, số lượng học sinh ở bán trú tại các trường phổ thông nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới ngày càng tăng lên. Có một thực tế là ở vùng miền núi và dân tộc, do địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó khăn, học sinh đi học xa là phổ biến. Đa phần các em phải đi học xa từ 5-6 km, cá biệt có những em đi xa tới 10km. Vì thế một bộ phận học sinh không thể trở về nhà trong ngày mà phải ở lại trường hoặc trọ trong nhà dân; ngày cuối tuần, các em mới về gia đình lấy lương thực, thực phẩm, chất đốt... để tự nấu ăn hoặc đóng góp với gia đình ở trọ. Nhiều gia đình đã phải cho con trọ học hoặc làm lều, lán gần trường để giải quyết khó khăn này. Trong khi hệ thống trường Phổ thông Dân tộc Nội trú do Nhà nước đài thọ hoàn toàn chỉ tuyển sinh khoảng 5% số học sinh dân tộc thiểu số theo chỉ tiêu được phân bổ thì việc thu hút 95% học sinh còn lại đến trường phải dựa vào giải pháp mô hình trường bán trú dân nuôi. Từ tự phát ở một vài địa phương, đến nay, mô hình trường nội trú dân nuôi đã được tổ chức rộng rãi tại nhiều tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Cũng gần giống hình thức học nội trú song với mô hình bán trú dân nuôi, mọi chi phí ăn, ở, học hành đều do học sinh tự túc. Hiệu quả chính của mô hình này là các em đỡ vất vả đi lại đến trường, mặt khác tăng thời gian học tập trung ở trường, được giao lưu, gặp gỡ thầy cô, bạn bè thường xuyên hơn. Nhờ đó mà giáo viên có thể kiểm tra việc học của các em, nắm được sức học của từng em và kịp thời có phương hướng phụ đạo, giúp đỡ, bồi dưỡng. Mặt khác, việc học tập trung còn giúp trau dồi vốn kiến thức tiếng phổ thông cho học sinh, tăng khả năng tiếp thu bài giảng của các em, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục.
Năm học 2008 -2009, trên phạm vi 24 tỉnh đã có tới trên 144 nghìn học sinh ở nội trú tại 1.657 trường. Số học sinh trung học cơ sở ở bán trú chiếm tỷ lệ cao nhất, trên 55%, trong đó tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số ở bán trú lên tới trên 96%. Các tỉnh có đông học sinh ở nội trú tập trung chủ yếu ở miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ như: Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên... Nhờ có mô hình bán trú dân nuôi mà tỷ lệ học sinh chuyên cần, học sinh có học lực khá, tỷ lệ lên lớp, chuyển cấp hàng năm đều tăng. Các em đã trở thành nguồn tuyển sinh có chất lượng vào các trường Phổ thông Dân tộc nội trú do Nhà nước đài thọ. Mô hình này đã góp phần rất lớn vào việc phát triển mạng lưới trường Trung học cơ sở và thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở các xã vùng cao.
Nguồn kinh phí hỗ trợ con hộ nghèo đi học từ vốn của Chương trình 135 còn có những tác động tích cực đến kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục - đào tạo. Sau 4 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục đào tạo đã: công nhận phổ cập giáo dục trung học cơ sở 56/63 tỉnh, thành phố; công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi ở 47/63 tỉnh, thành phố. Hoàn thành thay sách và trang thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục phổ thông hết lớp 12; cấp sách giáo khoa miễn phí cho học sinh các vùng đặc biệt khó khăn; biên soạn và chỉnh sửa giáo trình hỗ trợ dạy học sinh dân tộc thiểu số ở tất cả các bậc học cũng đang được tiến hành. 100% trường trung học phổ thông được trang bị tối thiểu 01 phòng máy tính để đảm bảo dạy môn tin học; 100% trường trung học phổ thông, 40% trường trung học cơ sở và 22% trường tiểu học được nối mạng internet. Nâng tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo ở mầm non là 89,1%, tiểu học 98,68%, trung học cơ sở 98,37%, trung học phổ thông là 98,0%. Hỗ trợ xây dựng, cải tạo nâng cấp phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện, nhà ăn, ký túc xá, nhà đa chức năng cho 47 trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh và 226 trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện; xây dựng thêm phòng ở cho các trường bán trú. Cùng với các chương trình và nguồn vốn khác, xây mới và nâng cấp được 13.367 phòng học các cấp, trong đó tiểu học là 3.416 phòng.
Với những kết quả đó, có thể khẳng định: Chương trình 135 giai đoạn II đã góp phần nâng đỡ đường đến trường cho các em học sinh nghèo trên khắp mọi miền của Tổ quốc.
Trí Dũng
Nguồn: Bản tin 135 - Tháng 11/2010)
[TT: H.T.N