 |
|
|
Danh mục
|
 |
|
|
|
|
|
 |
|
|
Hỗ trợ sx, trợ giúp thông tin
|
 |
|
|
Xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Vĩnh Thạnh
Vĩnh Thạnh là một huyện có vùng dân tộc và miền núi rộng lớn, toàn huyện có 9 xã, thị trấn, trong đó có 5 xã đặc biệt khó khăn. Dân số Vĩnh Thạnh có gần 30 nghìn người, trong đó dân tộc thiểu số có 8.563 người, chiếm 28,9% dân số, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, nhiều phong tục tập quán vẫn còn lạc hậu. Đời sống còn khó khăn, sản xuất chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi gắn liền với các thôn (làng) miền núi, phân bố rải rác dọc theo hai bên bờ sông Kôn và tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn
|
|
Gia đình bá Sa ở làng Hà Rơn, thị trấn Vĩnh Thạnh đã mua sắm máy cày làm đất.
|
Sau khi có Nghị quyết của Trung ương về công tác dân tộc, Huyện ủy, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã xây dựng Chương trình hành động về dân tộc và miền núi, trong đó đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ, đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, nuôi trồng thuỷ sản. Tiếp đó, đã đề ra Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 với nhiều chính sách, dự án, tập trung vào 3 nhóm cụ thể: Nhóm chính sách và dự án tạo điều kiện phát triển sản xuất cho hộ nghèo; nhóm chính sách và dự án tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội; nhóm chính sách và hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực giảm nghèo.
Bởi vậy, trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đã có những chuyển biến đáng kể. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình kinh tế trang trại ở miền núi có thu nhập mỗi năm từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Các chỉ số về diện tích, năng suất của các loại cây trồng: lúa, ngô, đậu đỗ, mía, cà phê, bời lời, măng tre điền trúc và đàn gia súc đều tăng từ 3-4%. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất chuyên canh tập trung nhằm tạo ra sản phẩm hàng hoá phục vụ tiêu dùng và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng phục vụ cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc. Đến nay có 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 99% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số xã có trường học và trạm xá kiên cố đáp ứng yêu cầu học tập và chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào các dân tộc...
Cùng với việc chăm lo cho đời sống của đồng bào, huyện đã triển khai quy hoạch, sắp xếp, bố trí khu tái định cư cho đồng bào Bana các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn. Bên cạnh Chương trình 135, trong năm qua Chương trình 134, chương trình 30a đã tạo thu được kết quả ấn tượng với kết quả xóa nhà tạm cho 305 hộ nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương cùng với sự ủng hộ giúp đỡ của các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Ngoài ra, các Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, Chương trình giải quyết việc làm… đã tác động thiết thực đến công tác giảm nghèo, nhất là đối với các làng vùng cao khó khăn.
Nhìn chung, Chương trình 135 và 134 đã giải quyết được những khó khăn bức xúc ở vùng dân tộc và miền núi, góp phần làm cho diện mạo nông thôn miền núi khởi sắc. Nhờ có nguồn lực đầu tư thông qua các chương trình, dự án của nhà nước, kết hợp với các nguồn lực khác trên địa bàn nên tỷ lệ nghèo mỗi năm giảm từ 6-7% cá biệt có nơi cao hơn.
Kinh tế phát triển tạo động lực căn bản để đầu tư cho văn hóa, xã hội. Sự nghiệp văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển mạnh mẽ, các công trình công cộng, hệ thống trường học, trạm y tế không ngừng được đầu tư mở rộng, hiện nay trên địa bàn huyện có 1 trường PTDT Nội trú và 2 trường bán trú đã tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số được học hành, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng; công tác đào tạo nghề cho thanh niên là người dân tộc được quan tâm, đã có 72 học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, sau khi ra trường đã được tuyển dụng, một số đã trở thành cán bộ chủ chốt tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện; công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào miền núi tiếp tục được chú trọng, có 100% đồng bào các dân tộc thiểu số được cấp thẻ bảo hiểm y tế, các Trạm y tế đang được xây dựng kiên cố, 100% số thôn, làng có nhân viên y tế phục vụ, các loại dịch bệnh đã được ngăn chặn và đẩy lùi; mạng lưới vô tuyến viễn thông đã phủ kín đến các xã trên địa bàn huyện; công tác bảo tồn bản sắc văn hóa được gìn giữ và phát huy, các ngành nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm tiếp tục được khôi phục và phát triển, hầu hết các làng đều xây dựng được nhà rông theo mô hình truyền thống. Công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc tiếp tục được chú trọng. Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ dân tộc được quan tâm, vai trò của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên được tăng cường và đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kịp thời giải quyết những mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn đang còn nhiều khó khăn, thách thức bởi kết quả giảm nghèo chưa có tính bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo còn lớn, số hộ tái nghèo hàng năm còn cao. Một số công trình đầu tư ở miền núi hiệu quả thấp sau khi đưa vào khai thác sử dụng; cơ cấu đầu tư thiếu đồng bộ. Giáo dục và y tế miền núi chưa đáp ứng yêu cầu nhất là xây dựng, nâng cao năng lực cho con người tại chỗ. Đến nay, địa bàn dân tộc thiểu số tỷ lệ đói nghèo vẫn còn cao và chênh lệch lớn so với vùng đồng bằng. Một số xã như Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim...còn phức tạp về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội (nạn khai thác lâm sản trái phép, vấn nạn tự tử, ma gang, trop). Bên cạnh đó còn có những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách tái định cư ở một số công trình thủy điện... Tư tưởng bảo thủ, trông chờ vào sự giúp đỡ của nhà nước vẫn còn tồn tại trong cán bộ và đồng bào các dân tộc.
Nguyên nhân của những tồn tại phần lớn là do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp, diện tích đất trồng ít và khó canh tác, kinh tế chưa phát triển, việc lồng ghép các chương trình, dự án liên quan đến giảm nghèo còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, một số chính sách chưa thực sự phù hợp với thực tiễn địa phương... do đó việc hỗ trợ để người nghèo thoát nghèo trong thời gian ngắn và đảm bảo tính bền vững là khó thực hiện.
Bên cạnh nhưng nguyên nhân khách quan, một nguyên nhân khác làm cản trở công cuộc xoá đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số là do trình độ dân trí của bà con còn thấp. Chính vì dân trí thấp nên người nghèo không nắm được kỹ thuật sản xuất, chi tiêu, phân bổ đồng vốn không hợp lý, kém hiệu quả. Không ít gia đình được dự án hỗ trợ cho vay tiền với lãi suất ưu đãi, nhưng không biết sử dụng vào sản xuất, kinh doanh nên cuối cùng vẫn không thoát được nghèo.
Do đó, muốn xoá đói, giảm nghèo thành công cho đồng bào các dân tộc thiểu số, Vĩnh Thạnh phải tập trung nâng cao trình độ dân trí, coi đó là điều kiện để xoá đói giảm nghèo bền vững. Trước hết, phải tiếp tục thực hiện và phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như chính sách văn hoá, y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi; Tập trung hỗ trợ về sinh kế cho hộ nghèo thông qua trợ giúp các điều kiện và dịch vụ sản xuất, đào tạo nghề để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; Tiếp tục ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, nhất là đầu tư cho các thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để người dân được cải thiện đời sống. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền tạo sự thống nhất về nhận thức và đồng thuận cao trong cuộc chiến chống đói nghèo để mỗi người dân có ý thức vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi, xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa và các hoạt động chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, dịch vụ hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân tỉnh, huyện phát động đã tác động rõ rệt phong trào phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc huyện nhà.
Xuân Dũng (Đài TTTH Vĩnh Thạnh)
(Website: hoinongdanbinhdinh.com)
[TT: H.T.N]
|
|
|
|
|
|
|
|
 |
|
|
Tin nổi bật
|
 |
|
|
|
|
 |
|
|
Đăng nhập
|
 |
|
|
|
|
 |
|
|
Liên kết Website
|
 |
|
|
|
|
|