5 dự án trọng điểm
Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ TT&TT), Chương trình mục tiêu quốc gia có quy mô toàn quốc với 5 dự án trọng điểm được thực hiện tại 250 huyện và 3000 xã thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo (trong đó sẽ ưu tiên trước hết cho khoảng 1700 – 2000 xã thuộc vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất).
5 dự án của Chương trình bao gồm: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông tin truyền thông (TTTT) cơ sở; Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống TTTT cơ sở; Duy trì hoạt động thường xuyên cho hệ thống TTTT cơ sở; Hỗ trợ thiết bị nghe và xem cho hộ gia đình; Tăng cường nội dung TTTT về cơ sở phục vụ đồng bào các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Cụ thể, dự án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TTTT cơ sở” sẽ nhằm mục tiêu đảm bảo đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ thông tin tuyên truyền, phát ngôn cho 100% cán bộ làm công tác này tại các địa phương; biên tập, xây dựng chương trình đào tạo; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về kiến thức chuyên môn phù hợp với từng loại đối tượng cho 12000 lượt người học.
Đối với dự án “Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống TTTT cơ sở”, dự án đặt ra mục tiêu đầu tư tăng cường trang thiết bị phát sóng và thiết bị phụ trợ tại những trạm phát lại phát thanh, truyền hình đã được xây dựng; đầu tư mới trạm phát lại cho 2007 nơi chưa từng được đầu tư để đảm bảo 100% số xã có đài truyền thanh, xoá được các “vùng trắng, vùng lõm”, giải quyết nhu cầu cho khoảng 10 triệu người dân.
Bên cạnh đó, dự án “Duy trì hoạt động thường xuyên cho hệ thống TTTT cơ sở” hỗ trợ thù lao cho cán bộ quản lý, vận hành và các chi phí hoạt động của 3000 đài truyền thanh xã để phục vụ tuyên truyền và cung cấp thông tin thường xuyên đến khoảng 12 triệu người; Dự án “Hỗ trợ thiết bị nghe và xem cho hộ gia đình” sẽ hỗ trợ trang bị cho 100.000 hộ gia đình có máy thu hình, 500.000 hộ có máy thu thanh.
Cùng đó, dự án “Tăng cường nội dung TTTT về cơ sở phục vụ đồng bào các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo” cũng được triển khai nhằm cung cấp thông tin chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, kỹ thuật… bằng tiếng dân tộc có nội dung phù hợp với đặc thù tập quán, ngôn ngữ đồng bào dân tộc ít người.
Theo thông tin từ Ban soạn thảo Đề án, tổng kinh phí để thực hiện 5 dự án nêu trên dự kiến vào khoảng 2638 tỷ đồng (với nguồn kinh phí Trung ương, ngân sách địa phương và huy động cộng đồng), được bắt đầu thực hiện từ 1/1/2011 và kết thúc vào ngày 31/12/2015. Cơ quan quản lý Đề án là Bộ TT&TT, cơ quan quản lý các dự án thành phần gồm một số Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo thông tin từ Bộ TT&TT, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương, Đề án ra đời từ nhu cầu cấp thiết của thông tin cơ sở đối với sự ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế-xã hội. Việc thực hiện đề án là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Trung ương số 26/NQ-TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong lĩnh vực TT&TT.
Rút ngắn khoảng cách về thụ hưởng thông tin