Tỷ lệ đói nghèo của Phúc Yên hiện nay là 66% tính theo tiêu chí cũ, và nếu áp dụng tiêu chí mới thì tỷ lệ đó chắc hẳn sẽ lên tới... trên 90%. Tôi nói đùa với đồng chí Chủ tịch UBND xã-Trịnh Xuân Cản: Nếu áp theo tiêu chí mới, cả xã chắc chỉ còn mấy đồng chí cán bộ xã là đủ tiêu chuẩn nằm ngoài diện đói nghèo. Nói như vậy để thấy rằng, mặc dù sau bao nhiêu sự đầu tư của Nhà nước, đời sống của bà con trong xã vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Một trong nhiều lý do được lãnh đạo xã Phúc Yên đưa ra để giải thích cho việc: Tại sao tỷ lệ đói nghèo của xã lại cao ngất ngưởng như vậy chính là yếu tố địa hình không thuận lợi. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận các hộ di dân thủy điện Tuyên Quang cũng làm cho tỷ lệ hộ nghèo của xã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết bài này, đó chỉ là những yếu tố phụ mà thôi.
Thực tế, sau khi được đầu tư từ CT135, Phúc Yên đã có điều kiện hơn rất nhiều kể từ hệ thống đường giao thông cho tới hệ thống thủy lợi. Cụ thể, các con đường dân sinh liên thôn bản được mở mới giúp người dân thuận tiện hơn rất nhiều trong đi lại, đường ô tô cũng đã về đến tận trung tâm xã. Các kênh, đập tràn thủy lợi được xây mới giúp điều tiết nước trong phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, dự án phát triển sản xuất cũng góp phần không nhỏ trong việc giúp người dân nguồn lực để người dân phát triển sản xuất.
Vậy vấn đề đặt ra là sau cả chục năm với CT135 giai đoạn I và II, chưa kể các CT dự án khác, tại sao Phúc Yên vẫn nghèo lại hoàn nghèo? Như đã nói ở trên, nếu đổ lỗi cho yếu tố địa hình, thời tiết thì cũng chưa thoả đáng. Điều cần nói ở đây chính là yếu tố con người, mà cụ thể, trước tiên là tập thể lãnh đạo xã đã không hoàn thành trách nhiệm của mình. Trồng cây gì, nuôi con gì, nuôi như thế nào... vẫn là bài toán muôn thủa đặt ra với các xã, huyện vùng cao, vẫn còn nguyên tính thời sự. Điều đáng nói là chính quyền mỗi nơi có cách vận dụng ra sao cho hợp lý mà thôi.
Đối với Phúc Yên, từ bao đời nay, xã vẫn chung thủy với cây ngô, cây lúa. Trong khi đó, năm nào người dân cũng đói vì thu hoạch từ ngô, lúa không đủ để ăn chứ chưa nói gì đến chuyện làm giàu. Giao đất, giao rừng cũng không hiệu quả, bởi nếu hiệu quả thì rừng phải cho lợi ích, đem lại thu nhập trông thấy. Hay đơn cử như chuyện chăn nuôi gia súc, xưa nay, Tuyên Quang vốn có thế mạnh nuôi trâu, đặc biệt là trâu giống, thế nhưng ở Phúc Yên, việc chăn nuôi chỉ tự phát, phục vụ sức kéo là chính. Cả chính quyền lẫn người dân nơi đây đều không có khái niệm chăn nuôi tập trung, hàng hóa.
Ông Chẩu Văn Tó, bản Tấng, xã Phúc Yên bộc bạch: “Nhà mình nuôi mấy con trâu, bò nhưng chủ yếu để phục vụ làm đất sản xuất. Thỉnh thoảng cũng có người dưới xuôi lên mua trâu giống, các hộ cũng chỉ bán lẻ tẻ thôi. Xã không có chợ đầu mối chuyên bán trâu bò”. Ông Trịnh Xuân Cản, Chủ tịch UBND xã cũng thừa nhận rằng, lãnh đạo xã cũng chưa nghĩ đến điều này, bởi vậy chợ đầu mối nông sản cũng không có.
Bên cạnh đó, sức ỳ từ chính một bộ phận nông dân là nguyên nhân không nhỏ làm cho cái đói, cái nghèo mãi đeo đẳng. Năm nào Nhà nước cũng hỗ trợ vốn, giống để sản xuất thì bà con sản xuất. Được thua đã có Nhà nước, đói thì đã có gạo cứu đói… cứ như vậy, cái vòng tư duy cứ mãi luẩn quẩn đói nghèo.
Để Phúc Yên thoát khỏi đói nghèo, thiết nghĩ, các cấp uỷ, chính quyền xã cần năng động hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành công việc; tích cực tuyên truyền vận động bà con không trông chờ, ỷ lại; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực lao động vươn lên phát triển sản xuất. Cùng với đó, tranh thủ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, phát huy hiệu quả công trình phúc lợi công cộng, phát triển KT-XH bền vững, gắn với bảo tồn bản sắc văn hoá xã hội.
Mạnh Hà
Nguồn Báo dan tộc và Phát triển
[TT: N.T.P]