Kết quả từ 2006 đến nay, Dự án đã bố trí được 2.301,3 triệu đồng, đạt 56,4% nhu cầu kế hoạch, trong đó Ngân sách Trung ương là 1.946,86 tỷ đồng (bằng 87,4% văn kiện), Ngân sách địa phương là 355 tỷ đồng. Từ năm 2006 - 2009, ngân sách Trung ương đã bố trí 1.280,71 tỷ đồng, hỗ trợ cho 1.534.281 hộ, đạt 96% kế hoạch, với 4.088 tấn giống mới cây lương thực, 493 triệu cây công nghiệp, cây đặc sản và cây lâm nghiệp, 119.437 con gia súc, 113.699 tấn phân bón hóa học, 4.125 mô hình phát triển nông - lâm - ngư nghiệp, 42.632 máy móc phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm, 264.519 lượt người được tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư...
Điểm đáng chú ý là Dự án Hỗ trợ sản xuất được tổ chức thực hiện từ thôn bản, do người dân lựa chọn nội dung hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng chính sách được bình xét công khai, đảm bảo dân chủ. Dự án cũng đã được các địa phương lồng ghép một số chương trình, chính sách khác trên địa bàn như: chương trình khuyến nông, khuyến lâm trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, vốn vay... Đến nay, có 100% xã, thôn bản thuộc diện hỗ trợ của Chương trình 135-II được tiếp cận với giống cây trồng vật nuôi mới, trên 50% hộ nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức khuyến nông, khuyến lâm, kinh nghiệm sản xuất. Sau hỗ trợ, nhận thức và tập quán sản xuất của đồng bào có nhiều chuyển biến rõ nét. Người dân đã được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; nhiều loại giống cây, con mới năng suất cao, chất lượng tốt tiếp tục được khảo nghiệm đưa vào sản xuất và được định hướng phát triển tập trung theo hướng hàng hoá gắn với thị trường; xu hướng phát triển chăn nuôi đại gia súc, thuỷ sản, thâm canh lúa, ngô và cây vụ đông đang từng bước thay thế tập quán sản xuất lạc hậu của đồng bào; nhiều dịch vụ xã hội (thông tin, tín dụng, thị trường,...) đã đến được với người dân. Với sự hỗ trợ của Dự án, đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn các xã, thôn bản được thụ hưởng Chương trình 135-II. Tuy nhiên, do số lượt hộ nông dân nghèo cần hỗ trợ khá lớn, nguồn vốn có hạn, đồng thời các địa phương chưa chỉ đạo, lồng ghép tốt các nguồn lực khác (như vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn theo Quyết định 32/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) nên chưa tập trung nguồn lực đủ lớn để đầu tư, phát triển sản xuất đảm bảo tính bền vững.
Tỷ lệ giải ngân của hợp phần Hỗ trợ phát triển sản xuất trong 4 năm qua là 1.027,89/1.280,71 tỷ đồng, đạt 80,25% vốn giao. Tốc độ giải ngân như vậy được đánh giá là chậm mà nguyên nhân chủ yếu là do việc ban hành các văn bản hướng dẫn chậm, cơ cấu vốn còn bất hợp lý, không phù hợp thực tế. Cơ chế giải ngân vốn đầu tư phát triển rất không phù hợp với đối tượng nghèo như: bắt buộc phải có dự án được lập bởi cơ quan có tư cách pháp nhân, được phê duyệt của Uỷ ban Nhân dân huyện, thanh toán phải có hoá đơn đỏ v.v. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh ít quan tâm chỉ đạo, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc của Dự án, thường chờ chỉ đạo của cấp trên.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2009 đến nay, nhiều địa phương đã chủ động sửa đổi một số văn bản và khắc phục những hạn chế trên. Một nguyên nhân nữa dẫn đến tốc độ giải ngân chậm là do kế hoạch vốn giao không phù hợp thời vụ sản xuất nông nghiệp, thủ tục giải ngân phức tạp dẫn đến lỡ vụ sản xuất, khó hoàn thành kế hoạch và hiệu quả đầu tư chưa cao. Đội ngũ cán bộ khuyến nông rất thiếu và yếu nên kết quả thực hiện công tác này còn hạn chế. Như thế không chỉ khó khăn cho thực hiện dự án về trước mắt mà còn có khả năng ảnh hưởng cả về lâu dài. Một số tỉnh chưa có biện pháp hỗ trợ tích cực cho xã để có đủ điều kiện làm chủ đầu tư theo hướng dẫn của Trung ương hoặc chậm giao nhiệm vụ cho ngành nông nghiệp chủ trì chỉ đạo hợp phần Hỗ trợ phát triển sản xuất.
Năm 2010, Chương trình 135-II sẽ kết thúc, thời gian còn lại không nhiều, Uỷ ban Dân tộc khuyến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành, nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010; chủ trì, phối hợp với ủy ban Dân tộc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc trên địa bàn các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II. Chỉ đạo các địa phương lồng ghép các Chương trình giảm nghèo với Chương trình xây dựng nông thôn mới và các đề án phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết Trung ương 7 khoá X.
Hoàng Liên
(Nguồn: Bản tin Chương trình 135 - Số 8/2010)
[TT: H.T.N]