Được Chính phủ đầu tư thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010) tại 04 xã: Kim Hoà, Nhị Trường, Long Sơn, Thạnh Hoà Sơn và ấp Trà Kim, xã Thuận Hoà, với 8.572 hộ, 40.379 nhân khẩu được hưởng lợi, trong đó hộ nghèo chiếm 45,39%. Để thực hiện công tác quản lý và điều hành Chương trình 135 giai đoạn II, huyện đã tiến hành củng cố Ban chỉ đạo, Ban quản lý Chương trình 135, thường xuyên tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ của các Sở, ngành tỉnh, đặc biệt là sự hỗ trợ của Ban Dân tộc tỉnh - Cơ quan Thường trực Chương trình. Được Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định uỷ quyền cho huyện đầu tư công trình hạ tầng thuộc Chương trình 135, giai đoạn II, huyện thành lập Tổ giúp việc cho Uỷ ban nhân dân huyện để thẩm định: thiết kế, bản vẽ, thi công và dự toán công trình, mạnh dạn giao cho 4/4 xã và 1 xã có ấp đặc biệt khó khăn làm chủ đầu tư xây dựng công trình cơ sở hạ tầng và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Kết quả sau hơn 3 năm thực hiện chương trình cho thấy: Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất 3,360 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp 2,020 tỷ đồng cho 1.275 hộ thụ hưởng, đã giải ngân để thực hiện dự án và mô hình sản xuất, nuôi heo, mua máy xới, máy bơm nước; Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng từ năm 2006-2008 với tổng số vốn 12,9 tỷ đồng đã giải ngân xây dựng 13 công trình đưa vào sử dụng: 13 km đường nông thôn (2,6 km đường đan 1 0,4 km đường nhựa), nạo vét 800m kênh cấp II, xây dựng 02 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, 07 phòng học ở hai trung tâm cụm xã, san lớp mặt bằng khu dân cư Trung tâm cư xá Long Sơn. các xã đã mở lớp tập huấn đào tạo nâng cao năng lực giám sát cơ sở hạ tầng cho cán bộ cơ sở và cộng đồng cho 668 người, đạt 90,5%. Thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh là hộ nghèo đi học các lớp mẫu giáo cho 1.416 em năm học (2007-2008) và năm học (2008-2009). Hỗ trợ về trợ giúp pháp lý nâng cao nhận thức pháp luật cho gần 600 người, đa số là hộ nghèo, tư vấn pháp luật 42 vụ, đất đai 28 vụ, hôn nhân gia đình 04 vụ và 10 vụ việc khác.
Qua quá trình triển khai và tổ chức thực hiện Chương trình 135, giai đoạn II đã có nhiều đổi mới so với các năm trước; việc phân cấp cho xã làm chủ đầu tư đã thể hiện được tự lực vươn lên của các địa phương, nâng cao năng lực cho cán bộ xã, ấp trong việc quản lý, phát huy vai trò của Ban giám sát xã khơi dậy được vai trò và ý thức của người dân, chống được tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo; lãnh đạo xã đã chủ động trong công tác điều hành và quản lý các dự án do xã làm chủ đầu tư, chương trình được thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo chất lượng công trình, hạn chế thất thoát. Với thực tiễn kinh nhiệm nhiều năm thực hiện, Ban chỉ đạo huyện đã hướng dẫn cho các xã thực hiện cơ bản về các mặt công tác, quản lý, ít sai sót trong khâu lập thủ tục. Về mục tiêu đạt được đã làm tăng thêm cơ sở hạ tầng, góp phần thuận lợi cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc.
Nhìn chung, qua hơn 3 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, được Trung ương đầu tư kinh phí nhất là đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng cùng với vốn đối ứng của ngân sách tỉnh, huyện và nhân dân đóng góp chủ đồng lồng ghép các nguồn vốn có cùng mục tiêu mang lại hiệu quả thiết thực cho các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đưa cuộc sống của bà con vùng đồng bào dân tộc ngày càng ổn định.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện huyện cũng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những thời điểm giá vật tư, nhiên vật liệu, biến động đột ngột nên nhiều công trình bị đình trễ không triển khai được hoặc có lúc ngưng thi công do khó khăn từ phía nhà thầu và việc biến động giá, chủ đầu tư phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, từ đó dẫn đến việc triển khai, thi công công trình chậm trễ so với kế hoạch. Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chưa được thường xuyên, nguồn vốn hỗ trợ đầu tư còn chậm; một số công trình xây dựng xong nghiệm thu đưa vào sử dụng, chậm duy tu sửa chữa nên bị xuống cấp, công tác quản lý tại địa phương còn hạn chế, công tác giám sát của hệ thống chính trị và nhân dân chưa thường xuyên.
Thạch Samy
(Nguồn: Bản tin Chương trình 135 - Số 10/2009)
[TT: H.T.N]